Ba trạng thái đầu tư của CW
Tương tự như quyền chọn, có ba trạng thái quan trọng của CW mà nhà đầu tư cần chú ý. Bởi vì nó không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị của một CW. Ba trạng thái đó bao gồm: ITM (in-the-money), ATM (at-the-money), OTM (out-of the-money). Cách xác định ba trạng thái này là khác nhau đối với chứng quyền mua hoặc chứng quyền bán
* Đối với chứng quyền mua: Vào thời điểm đáo hạn hay trong bất cứ thời điểm nào khi CW còn hiệu lực, nếu giá chứng khoán cơ sở lớn hơn giá thực hiện (S>X), ta gọi CW mua đang ở trạng thái lời (ITM); nếu giá chứng khoán cơ sở nhỏ hơn giá thực hiện (S<X), ta gọi CW mua đang lỗ (OTM); còn nếu giá chứng khoán cơ sở bằng giá thực hiện (S=X), ta gọi CW mua đang ở trạng thái hòa vốn (ATM).
* Đối với chứng quyền bán: Vào thời điểm đáo hạn hay trong bất cứ thời điểm nào khi CW còn giá trị, nếu giá chứng khoán cơ sở lớn hơn giá thực hiện (S>X), ta gọi CW bán đang ở trạng thái lỗ (OTM); nếu giá chứng khoán cơ sở nhỏ hơn giá thực hiện (S<X), ta gọi CW bán đang lãi (ITM); còn nếu giá chứng khoán cơ sở bằng giá thực hiện (S=X), ta gọi CW bán là hòa vốn (ATM).
Giá trị của chứng quyền
Một trong những yếu tố quan trọng đối với nhà đầu tư khi tham gia đầu tư và giao dịch chứng quyền là phải hiểu được “giá CW” (premium) được xác định như thế nào. Đầu tiên, cần xác định rằng:
Giá trị CW (premium) = Giá trị nội tại + Giá trị thời gian.
Chúng ta sẽ cùng nhau làm rõ hơn về hai thành tố này: giá trị nội tại và giá trị thời gian như sau.
Trước tiên, Giá trị nội tại: Tức là giá trị tự bản thân của CW có, không bị mất đi theo thời gian. Giá trị này chỉ bị ảnh hưởng khi giá chứng khoán cơ sở thay đổi, và với các CW nào ở trạng thái (ITM) thì mới có giá trị nội tại. Tại các trạng thái OTM và ATM, CW không có giá trị nội tại mà chỉ có giá trị về thời gian.
Giá trị thời gian: Tức là giá trị từ lúc CW được phát hành cho đến khi CW đáo hạn. Điều đó có nghĩa là tất cả CW đều có giá trị thời gian bất kể trạng thái ITM, ATM hay OTM. Càng gần thời điểm đáo hạn, giá trị thời gian của CW sẽ giảm đi và trở về 0 khi CW đáo hạn.
Định giá CW
Khi được giao dịch trên thị trườn thứ cấp, bên cạnh tác động của cung – cầu CW trên thị trường, giá của CW còn chịu tác động bởi các yếu tố đặc thù như:
– Giá của chứng khoán cơ sở: Đây là tham chiếu để xác định giá trị nội tại của CW.
– Thời gian đến khi đáo hạn, có nghĩa khoảng thời gian từ thời điểm xác định giá đến ngày đáo hạn của chứng quyền. Khoản thời gian càng dài thì CW càng có giá trị (thời gian) cao.
– Độ biến động của chứng khoán cơ sở: Độ biến động càng cao thì giá CW sẽ càng cao.
– Giá thực hiện (exercise price).
– Lãi suất phi rủi ro.
– Cổ tức.
Các yếu tố trên là các biến đầu vào của các mô hình định giá CW, được sử dụng tương tự như mô hình định giá quyền chọn: mô hình Black-Scholes hoặc mô hình nhị phân (binomial-model). Trong các nhân tố trên, độ biến động của chứng khoán cơ sở và lãi suất phi rủi ro là hai nhân tố quan trọng nhất và khó xác định nhất, phụ thuộc vào kinh nghiệm của nhà đầu tư và công ty chứng khoán trên thị trường.
3. Phân biệt CW với một số sản phẩm chứng khoán khác
Cùng với chứng quyền có bảo đảm, quyền chọn (option) và chứng quyền công ty (traditional/equity warrant) là những sản phẩm có một số đặc điểm tương đồng nhưng về bản chất đây là những sản phẩm khác nhau. Vậy, giữa các sản phẩm này có những điểm chung gì? Làm sao để phân biệt được các sản phẩm này trên thị trường chứng khoán?
Có thể nói điểm chung dễ thấy nhất đối với cả 03 sản phẩm trên là người sở hữu sẽ có quyền (mà không phải nghĩa vụ) được mua cổ phiếu cơ sở với mức giá được xác định trước tại một thời điểm đã được ấn định. Vậy, giữa chúng khác nhau như thế nào? Làm sao để phân biệt? Chúng ta sẽ xem xét những yếu tố chính dưới đây.
· Tổ chức phát hành: nếu như quyền chọn cổ phiếu là sản phẩm được Sở Giao dịch Chứng khoán thiết kế với các điều khoản được chuẩn hóa thì chứng quyền có bảo đảm chỉ được phát hành bởi các tổ chức tài chính (mà thường là các công ty chứng khoán), trong khi đó chứng quyền công ty là sản phẩm thường được các công ty niêm yết phát hành và thường được phát hành kèm theo việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi. Bên cạnh đó, khi phát hành các sản phẩm, Sở Giao dịch không thu bất cứ khoản phí nào cho việc thiết kế và niêm yết quyền chọn cổ phiếu, trong khi đó tổ chức phát hành chứng quyền được khoản tiền từ việc bán CW.
· Tài sản cơ sở: Tài sản dùng làm cơ sở cho cả quyền chọn và chứng quyền có bảo đảm bao gồm nhiều loại như: cổ phiếu đơn lẻ, chỉ số chứng khoán, ETF, tiền tệ,… hay các loại hàng hóa khác. Trong khi đó, tài sản cơ sở cho chứng quyền công ty chỉ là cổ phiếu phổ thông của chính công ty đó.
· Giá thực hiện: Cả quyền chọn cổ phiếu và chứng quyền có bảo đảm đều có thể có nhiều mức giá thực hiện tùy thuộc vào từng điều kiện đã được xác lập trước đó cho mỗi đợt phát hành còn chứng quyền công ty chỉ có một mức giá thực hiện.
· Vị thế giao dịch: Khi niêm yết, đối với quyền chọn cổ phiếu nhà đầu tư có thể bán quyền chọn khi không sở hữu những quyền chọn này còn đối với chứng quyền có bảo đảm hay chứng quyền công ty, nhà đầu tư chỉ được bán chứng quyền có bảo đảm khi đã sở hữu nó.
· Điều khoản của sản phẩm: Điều khoản của quyền chọn cổ phiếu được các Sở Giao dịch Chứng khoán thiết kế dựa trên những điều khoản đã được chuẩn hóa về cấu trúc, quy mô, điều khoản về thực hiện quyền và chuyển giao tài sản cơ sở, trong khi đó đối với chứng quyền có bảo đảm và chứng quyền công ty, những điều khoản của sản phẩm sẽ do tổ chức phát hành (Công ty chứng khoán hay công ty) quy định, và những điều khoản này có thể sẽ khác nhau đối với từng sản phẩm mà họ phát hành.
· Chuyển giao tài sản khi thực hiện quyền: Quyền chọn cổ phiếu là hợp đồng giữa một bên là những cá nhân hay tổ chức tài chính sẵn sàng mua cổ phiếu với một bên là những cá nhân hay tổ chức tài chính cũng sẵn sàng bán cổ phiếu tại một mức giá cụ thể. Vì vậy, khi thực hiện quyền việc chuyển giao tài sản sẽ được thực hiện bởi các nhà đầu tư. Đối với Chứng quyền có bảo đảm, do tổ chức phát hành là các tổ chức tài chính (công ty chứng khoán) nên việc chuyển giao tài sản khi thực hiện quyền được thực hiện bởi công ty chứng khoán với những người sở hữu chứng quyền có bảo đảm.
Đối với chứng quyền công ty, khi đến hạn, những người sở hữu chứng quyền muốn thực hiện quyền sẽ yêu cầu công ty phát hành thêm cổ phiếu mới và việc chuyển giao tài sản sẽ được thực hiện bởi công ty phát hành với nhà đầu tư. Một điểm khác biệt nữa giữa các sản phẩm này đó chính là khi thực hiện quyền bằng chuyển giao tài sản cơ sở, quyền chọn cổ phiếu và chứng quyền có bảo đảm không làm gia tăng vốn đối với tổ chức phát hành tài sản cơ sở, ngược lại vốn của tổ chức phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư sở hữu chứng quyền công ty sẽ gia tăng.