Từ khi chính phủ bắt đầu phát hành trái phiếu thường xuyên vào đầu thế kỷ 20 và đưa nó phát triển lên thị trường trái phiếu hiện đại, nhà đầu tư đã mua trái phiếu với nhiều lý do khác nhau: bảo toàn vốn, thu nhập, đa dạng hóa và phòng ngừa rủi ro đối với sự suy yếu của nền kinh tế hoặc giảm phát. Khi thị trường trái phiếu dần mở rộng và đa dạng hơn vào những thập niên 70, 80, các trái phiếu dần trải qua những biến động thường xuyên và lớn hơn về giá và nhiều nhà đầu tư bắt đầu kinh doanh trái phiếu, nắm bắt lợi ích tiềm ẩn: giá hoặc vốn, thặng dư. Giờ đây, các nhà đầu tư có thể chọn mua trái phiếu vì tất cả những lý do này.
Bảo toàn vốn: Khác với cổ phiếu, trái phiếu hoàn trả vốn gốc vào một ngày xác định hay còn gọi là ngày đáo hạn. Điều này làm cho trái phiếu thu hút những nhà đầu tư không muốn có rủi ro trên phần vốn gốc và những nhà đầu tư cần thực hiện nghĩa vụ nợ vào một thời điểm xác định trong tương lai. Các trái phiếu có thêm lợi ích là lãi suất chào bán xác định thường cao hơn lãi suất tiết kiệm ngắn hạn.
Thu nhập: Đa số trái phiếu mang lại cho nhà đầu tư thu nhập cố định. Căn cứ vào lịch xác định, có thể là hàng quý, nửa năm hoặc hàng năm, nhà phát hành chuyển trả lãi cho trái chủ và có thể được dùng để tái đầu tư vào những trái phiếu khác. Cổ phiếu cũng có thể tạo ra thu nhập từ các khoản cổ tức nhưng thường ít hơn so với trái tức và các doanh nghiệp có toàn quyền quyết định việc chi trả cổ tức trong khi trái chủ phải có trách nhiệm chi trả trái tức.
Thặng dư vốn: Giá trái phiếu có thể tăng vì rất nhiều nguyên do, gồm cả việc giảm lãi suất và việc cải thiện xếp hạn tín nhiệm của nhà phát hành. Nếu một trái phiếu được nắm giữ đến khi đáo hạn và lợi nhuận từ tăng giá trái phiếu trong dòng đời của trái phiếu không được hiện thực hóa thì giá trái phiếu đó sẽ dần lùi về bằng mệnh giá (100) vì nó tiến gần đến ngày đáo hạn và kỳ thanh toán vốn gốc. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể ghi nhận lợi nhuận từ giá trái phiếu tăng bằng cách bán trái phiếu sau khi giá trái phiếu tăng trước ngày đáo hạn hay còn gọi là thặng dư vốn. Ghi nhận thặng dư vốn trên trái phiếu làm gia tăng tổng lợi nhuận, bao gồm thu nhập và thặng dư vốn. Đầu tư vì tổng lợi nhuận đã trở thành chiến lược đối với trái phiếu được sử dụng rộng rãi trong suốt 40 năm qua. (Tham khảo thêm tại: “Chiến lược đầu tư trái phiếu”.)
Đa dạng hóa: Kết hợp các trái phiếu trong một danh mục đầu tư có thể giúp đa dạng hóa danh mục. Nhiều nhà đầu tư đa dạng hóa giữa các loại tài sản từ cổ phiếu và trái phiếu đến hàng hóa và các loại hình đầu tư khác với nổ lực mang rủi ro về mức thấp hoặc thậm chí là mức âm đối với danh mục của họ.
Phòng ngừa đối với sự trì trệ của nền kinh tế hoặc giảm phát: Các trái phiếu có thể giúp bảo vệ nhà đầu tư khỏi sự trì trệ của nền kinh tế vì nhiều lý do. Giá của một trái phiếu tùy thuộc vào việc nhà đầu tư định giá thu nhập mà trái phiếu mang lại. Phần lớn trái phiếu chi trả thu nhập cố định và không thay đổi. Khi giá của hàng hóa và dịch vụ tăng, điều kiện kinh tế được xem là lạm phát, một trái phiếu có thu nhập cố định trở nên kém hấp dẫn vì khoản thu nhập đó mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn. Lạm phát thường song hành với tăng trưởng kinh tế nhanh vốn làm gia tăng nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ. Trái lại, tăng trưởng kinh tế chậm thường dẫn đến lạm phát thấp làm cho thu nhập từ trái phiếu trở nên hấp dẫn. Sự chậm chạp của nền kinh tế là tín hiệu không tốt đối với lợi nhuận của doanh nghiệp và thu nhập chứng khoán làm gia tăng sức hấp dẫn của lợi nhuận từ thu nhập trái phiếu.
Nếu sự chậm chạp của nền kinh tế ảnh hưởng đến việc khách hàng thôi mua sắm và giá cả trong nền kinh tế bắt đầu giảm, điều kiện kinh tế khó khăn hay còn được xem là giảm phát, thì thu nhập từ trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn vì trái chủ có thể mua nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn (do giá cả giảm) đối với cùng một khoản thu nhập. Nhu cầu đối với trái phiếu tăng và do đó giá trái phiếu và lợi nhuận của trái chủ cũng tăng.