Phương pháp đầu tư của William J. O’Neil đã giúp tài khoản do ông quản lý tăng trưởng đến 20 lần chỉ trong vòng 26 tháng. William (Bill) J. O’Neil sinh ngày 23/5/1933 ở Oklahoma và lớn lên ở Texas (Mỹ). Ông tốt nghiệp đại học Southern Methodist University với bằng cử nhân quản trị kinh doanh.

Danh mục tăng trưởng đến 20 lần chỉ sau 26 tháng!

Sau thời gian phục vụ trong quân đội Mỹ, O’Neil bắt đầu với nghề môi giới chứng khoán ở công ty Hayden, Stone & Company vào năm 1958.
Ở đây, ông đã phát triển phương pháp đầu tư chứng khoán nổi tiếng CANSLIM, sau khi nghiên cứu dữ liệu quá khứ của những cổ phiếu tăng trưởng mạnh. William J. O’Neil đã phổ biến phương pháp đầu tư này trong cuốn sách The Model Book of Greatest Stock Market Winners và ngày nay vẫn đang được sử dụng ở công ty của ông.
Phương pháp đầu tư của William J. O’Neil đã giúp tài khoản do ông quản lý tăng trưởng đến 20 lần chỉ trong vòng 26 tháng.
Sau thành công vượt bậc này, năm 1963, William J. O’Neil thành lập công ty nghiên cứu và tư vấn đầu tư William O’Neil + Co, Inc và tiếp tục điều hành công ty này cho đến ngày nay.
Vào những năm 1960, ở độ tuổi 30, William J. O’Neil là nhà môi giới trẻ nhất mua chổ ngồi ở Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE).
Các công ty sở hữu
Năm 1963, William J. O’Neil thành lập công ty William O’Neil + Co. Inc, chuyên cung cấp dữ liệu và báo cáo phân tích đầu tư cho các nhà đầu tư định chế.
Năm 1972, ông thành lập công ty Daily Graphs, Inc cung cấp dữ liệu, biểu đồ chứng khoán cho nhà đầu tư cá nhân. Daily Graphs sau đó đổi tên thành MarketSmith, Inc vào năm 2010 với các công cụ đầu tư dành cho nhà đầu tư cá nhân.
Năm 1973, O’Neil Data Systems LLC và Datagraphs tiếp tục ra đời là các chương trình cung cấp thông tin thị trường chứng khoán, phân tích biểu đồ chứng khoán…
Năm 1984, William J. O’Neil xây dựng và phát triển ấn bản Investor’s Daily (sau đó đổi tên thành Investor’s Business Daily) bao gồm cả bản in và phiên bản online.
Vào tháng 2/2010, một nhánh của công ty William O’Neil + Co. Inc được tách ra thành O’Neil Securities, Inc chuyên phục vụ dịch vụ môi giới cho nhà đầu tư tổ chức.
O’Neil nghiên cứu về các cổ phiến sinh lời nhất từ năm 1953-1985 và đã đúc kết một nhóm đặc điểm chung mà những cổ phiếu này đều có. Các đặc điểm chính cần lưu ý được thể hiện trong từ CANSLIM.
Trong đó:

(1) C = Lãi ròng trên mỗi cổ phiếu trong kỳ tính toán (Current Earning Per Share). Tiêu chuẩn này đòi hỏi cổ phiếu tốt phải là cổ phiếu có sự gia tăng lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước và tỷ lệ tăng càng cao càng tốt.

(2) A = Sự gia tăng lợi nhuận trên mỗi kỳ tính toán (Periodicaly Earning Increases). Điều này có nghĩa là cổ phiếu tốt là cổ phiếu có mức gia tăng lợi nhuận đều đặn năm sau so với năm trước (chỉ tiêu thông thường được tính cho 5 năm) và nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý tới các cổ phiếu có mức gia tăng lợi nhuận hàng năm ổn định và trên 25%.

(3) N = Những thông tin mới về công ty như sản phẩm, dịch vụ mới, ban lãnh đạo mới… (New Products, Newly qualified Management, new highs). Thực tiễn cho thấy, giá cổ phiếu tăng thường gắn với một điều gì đó mới mẻ từ công ty.

(4) S = Quan hệ cung cầu của cổ phiếu (Supply and Demand). Cổ phiếu cũng là một loại hàng hoá, do vậy, giá cả chịu sự điều chỉnh của quan hệ cung cầu. Công ty càng đại chúng bao nhiêu thì giá cổ phiếu càng khó lên bấy nhiêu nếu không có các yếu tố đột biến khác, do lượng cung lớn. Đối với các công ty mà có chênh lệch lớn về cầu – cung thì khả năng tăng giá của cổ phiếu là dễ dàng hơn.

(5) L = Xem xét vai trò của cổ phiếu đó trên thị trường là cổ phiếu “đầu tầu” hay chỉ là cổ phiếu ăn theo, cổ phiếu có chất lượng dưới trung bình của thị trường… (leader/laggard). Tuy nhiên, theo phương pháp lựa chọn này, nhà đầu tư chỉ nên chọn một vài cổ phiếu dẫn đầu, tốt nhất trong nhóm chứ không phải là mua càng nhiều loại cổ phiếu càng tốt. Cần chú ý xem lý do tăng của cổ phiếu là gì để tránh việc theo đóm ăn tàn mua phải các cổ phiếu tăng theo đuôi, vì sớm hay muộn những cổ phiếu “ăn theo” cũng sẽ sụt giá.

(6) I = Sự quan tâm của các tổ chức, định chế tài chính lớn đến cổ phiếu (Institutional Sponsorship). Nhà đầu tư sẽ an tâm hơn để đầu tư khi cổ phiếu mà mình đầu tư cũng được sự quan tâm và mua vào của các tổ chức lớn, các thiết chế tài chính lớn và có uy tín. Tuy nhiên, có một trở ngại là sau một thời gian đủ dài, giá cổ phiếu đáp ứng một phần hoặc toàn bộ kỳ vọng của các nhà đầu tư lớn thì thường khó tăng mạnh và có trường hợp bị giảm giá là do khi đã đạt được lợi nhuận kỳ vọng, các tổ chức thường bán ra với số lượng lớn và khi đó nếu không có một lượng cầu (đương nhiên là từ một tổ chức, thiết chế tài chính mới) thì giá cổ phiếu sẽ có xu hướng giảm mạnh.

(7) M = Xu hướng thị trường (Market Direction) là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của phương án đầu tư. Thị trường chứng khoán là thị trường của niềm tin, điều đó có nghĩa là niềm tin sẽ củng cố quyết định nắm giữ đầu tư cổ phiếu lâu dài để thu lợi lớn hơn (giảm cung) và khuyến khích những nhà đầu tư mới tham gia (tăng cầu) và do vậy kéo theo cơ hội tăng giá của cổ phiếu cao hơn. Trong trường hợp ngược lại, khi thị trường có xu hướng đi xuống (ảnh hưởng của niềm tin vào các công ty) nó sẽ làm cổ phiếu, kể cả cổ phiếu tốt giảm giá và phương án đầu tư của nhà đầu tư sẽ khó thành công hơn.

Trên thực tế, tìm được các cổ phiếu đáp ứng được đầy đủ các điều kiện trên là rất khó, thế nên các bạn có thể tham khảo thêm một vài trường phái Phân tích kỹ thuật khác.

Nguồn tin: traiphieu.com