George Soros sinh ngày 12/80, là người Do Thái sinh ra ở Budapest, Hungary. Tổ chức làm việc gần đây: Soros Fund Management, Open Society Institute (OSI), Soros Foundations

PHƯƠNG PHÁP ĐẦU CƠ George Soros

Tiểu sử nghề nghiệp: Năm 1947, George Soros sang London một mình. Công việc ban đầu của ông là làm bồi bàn ở một hiệu ăn sang trọng ở London.

18 tuổi, với số tiền kiếm được bằng nghề thu hoạch táo và sơn nhà thuê, George Soros ghi danh vào Học viện Kinh tế London (LSE, London School of Economics). George Soros tốt nghiệp LSE vào năm 1952 và bắt đầu làm việc trong ngành ngân hàng đầu tư.

Năm 1956, Soros sang Mỹ đoàn tụ với bố mẹ và các anh chị em, nhập quốc tịch Mỹ và làm việc cho các công ty đầu tư như F.M. Mayer (1956-59), Wertheim & Co. (1959-63) và Arnhold & S. Bleichroeder (1963-73).

Năm 1973, ông thành lập Soros Fund Management với số vốn 17 triệu USD và sau này điều hành quỹ đầu tư nổi tiếng toàn cầu Quantum Fund. Các quỹ đầu tư do George Soros được cho đã có mức sinh lời lên đến hơn 30%/năm và có hai lần đạt mức hơn 100%/năm!

Cuối những năm 1980, George Soros rút lui khỏi các công việc điều hành hàng ngày ở Soros Fund Management và chuyển mối quan tâm sang tổ chức “truyền bá tư tưởng” Open Society Foundation, các công việc từ thiện…

Các “thương vụ” nổi tiếng: Tháng 9/1992, Ngân hàng Trung ương Anh đang lưỡng lự giữa việc phải tăng lãi suất lên tương ứng với mức lãi suất ở các nước thuộc Cơ chế bình ổn tỷ giá châu Âu (European Exchange Rate Mechanism) hay phải thả nổi tỷ giá đồng bảng Anh.

Ngày 16/9/1992 (ngày thứ Tư đen tối), các quỹ đầu tư của George Soros đã bán khống 10 tỷ USD đồng bảng Anh, vay hàng tỷ Bảng Anh và đổi sang đồng Mác Đức. George Soros sau đó đã thu được lợi nhuận tới 1,1 tỷ USD chỉ trong vòng một tuần, khi nước Anh rút khỏi Cơ chế bình ổn tỷ giá châu Âu và phá giá đồng bảng. Bộ Tài chính Anh ước tính thiệt hại từ ngày thứ Tư đen tối vào khoảng 3,4 tỷ bảng.

George Soros được mệnh danh là “Người hủy diệt Ngân hàng Trung ương Anh” kể từ đó.

Các quỹ đầu tư của George Soros cũng đã bán không rất mạnh đồng baht Thái Lan vào đầu năm 1997, khi nhận thấy cán cân thương mại và cán cân tài khoản vốn của nước này bất ổn. Khủng hoảng tiền tệ châu Á bùng nổ và kéo dài liền vài năm sau đó.

Trong 3 tháng từ 11/2012 – 02/2013, các quỹ đầu tư của Soros Fund Management đã kiếm được 1,2 tỷ USD khi đầu tư “đánh xuống” (short position) vào đồng Yên và chứng khoán Nhật Bản.

Thời gian này, Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền ngay lập tức đã thực hiện chính sách kinh tế Abenomics, với trọng tâm là tăng cường chi tiêu công và nới lỏng mạnh hơn chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đạt tỷ lệ lạm phát 2%/năm. Hệ quả của chính sách nới lỏng này là đồng Yên liên tục giảm giá, còn thị trường chứng khoán hồi phục mạnh mẽ.

George Soros được xem là bậc thầy “hủy diệt” trong lĩnh vực trái phiếu và tiền tệ. Ông là nhà đầu cơ ngắn hạn và thường đánh cược số tiền rất lớn vào sự biến động của thị trường.

George Soros tin rằng nên mô tả thị trường tài chính là sự hỗn độn. Giá chứng khoán và tiền tệ phụ thuộc vào con người, tức là nhà đầu tư giao dịch trên thị trường, và nhà đầu tư thường mua bán dựa theo cảm tính, chứ không phải suy nghĩ logic.

Ông cũng tin rằng nhà đầu tư tác động lẫn nhau và hành xử theo bầy đàn. Ông cũng thường mua bán theo đám đông nhưng luôn tìm cơ hội để thoát ra trước và “hủy diệt”. Thế lúc nào thì nên thoát? George Soros nói rằng ông có khả năng phản ứng theo bản năng và khó mà bắt chước được!

Soros tin rằng có 6 giai đoạn trong quá trình phát triển của một trạng thái đầu tư.

Giai đoạn thứ nhất là một xu hướng chưa được nhận ra trên thị trường.

Giai đoạn hai là khi xu hướng trở nên rõ nét hơn. Sự sụt giá mạnh của American Express năm 1982 từ 62 USD xuống 35 USD là một ví dụ điển hình của chuyện này. Thị trường trong trạng thái lo sợ làm trầm trọng thêm xu hướng giảm giá.

Giai đoạn thứ ba là một cái test (phép thử) thành công trên thị trường. Đó có thể là một sự kiện tương tự đã xảy ra trước, với kết cục khẳng định thêm xu hướng quan sát được.

Giai đoạn thứ tư là sự phân hóa ngày càng lớn giữa thực tại và quan niệm. Ví dụ, với những người đã chót “ôm” cổ phiếu đang có chiều hướng mất giá, họ thường tự trấn an bằng cách tìm kiếm những thông tin để củng cố quan niệm của mình (rằng cổ phiếu đang giữ sẽ lên giá).

Cao trào là giai đoạn thứ năm, ví dụ, là những ngày “đen tối” – xảy ra hoảng loạn với cao trào bán tháo trên thị trường, và là thời cơ vàng của những nhà đầu cơ tấn công thị trường như Soros trong cuộc khủng hoảng tỷ giá bảng Anh năm 1992.

Giai đoạn cuối cùng được Soros gọi là “hình phản chiếu ngược qua gương”, khi mà xu hướng thị trường quay ngược trở lại và giá cả phục hồi.

Như vậy, trung tâm trong nguyên tắc của Soros là sự khác biệt giữa hình ảnh và thực tại. Sự khác biệt lớn giữa Soros và Buffett là ở chỗ Buffett, theo đúng nguyên tắc của Graham trước đây 40 năm, tính toán – hay vẫn nói rằng ông tính toán – trên cơ sở các giá trị ẩn tàng của các tài sản, còn Soros thì đúng hơn là một nhà buôn bằng trực quan, linh cảm.

Nguồn tin: traiphieu.com