Nâng hạng thị trường chứng khoán cần có sản phẩm Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (TPCP)

Nâng hạng thị trường chứng khoán cần có sản phẩm Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (TPCP)

Để hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi đã đến lúc cần phải tạo ra thêm sản phẩm mới để khơi thông dòng tiền vô cùng lớn chưa thể  chảy vào thị trường.

Các ngân hàng thương mại với việc nắm giữ khoảng 95% danh mục TPCP đang lưu hành, cũng như có nhiều lợi thế về vốn, tài sản… thì lại chưa có thị trường phái sinh trái phiếu chính phủ để giao dịch.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi nhà đầu tư thường xuyên giao dịch và sở hữu lượng lớn TPCP trên thị trường cơ sở thì họ có nhu cầu cao giao dịch trên thị trường phái sinh.

Mặt khác, để thị trường trái phiếu hiệu quả thì phải có cả thị trường TPCP cơ sở và phái sinh. Để giao dịch trên thị trường cơ sở có thanh khoản tốt thì giao dịch trên thị trường thứ cấp phải minh bạch thông qua cơ chế khớp lệnh trên sàn. Trong khi trên thực tế, các giao dịch trên thị trường thứ cấp tuyệt đại đa số là giao dịch thỏa thuận (việc đặt lệnh được thực hiện qua Sở GDCK Hà Nội sau khi đã có sự thảo thuận) và OTC, còn giao dịch thông qua yết giá trực tiếp và khớp lệnh trên sàn gần như không đáng kể.

Nếu không cải thiện tình trạng này, thì dù muốn, chúng ta không thể khơi thông dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán, tạo ra thanh khoản, thiết lập được cơ chế lãi suất thị trường minh bạch để các thành viên trong nền kinh tế mới có thể hoạch định được chiến lược kinh doanh lâu dài.

Giải quyết những thách thức trên, ý kiến từ giới chuyên gia cho rằng, cần mở cửa và khuyến khích các công ty chứng khoán và ngân hàng tham gia với tư cách là nhà tạo lập thị trường trái phiếu. Điều này không chỉ tạo độ sâu cho thị trường giao dịch Hợp đồng tương lai TPCP, mà còn gia tăng sức hấp dẫn, thu hút nhiều ngân hàng tham gia giao dịch sản phẩm phái sinh thứ hai này.

“Với quy định hiện hành, việc các ngân hàng thương mại phải giao dịch Hợp đồng tương lai TPCP thông qua mở tài khoản như các nhà đầu tư khác tại CTCK, mà không được trực tiếp bù trừ, thanh toán qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) sẽ phát sinh không ít vướng mắc, rủi ro…”, lãnh đạo một ngân hàng quan ngại. Theo đó, các ngân hàng thương mại thường giao dịch với lệnh có giá trị lớn, nhưng lại không được là thành viên giao dịch trực tiếp với VSD để bù trừ, thanh toán cho giao dịch của họ, nên sẽ ảnh hưởng đến tính chủ động trong giao dịch.

“Việc ngân hàng thương mại chưa được cấp phép hoạt động thanh toán, bù trừ trực tiếp với VSD sẽ gây khó cho hoạt động tham gia TTCK phái sinh của các tổ chức tín dụng. Phải giao dịch qua CTCK với các ngân hàng còn tạo nên những mối lo về bảo mật thông tin. Đó là chưa kể với các lệnh có giá trị lớn, việc giao dịch qua CTCK còn gây nên rủi ro về tốc độ xử lý lệnh.

Bộ Tài chính và Ủy ban cần lên kế hoạch làm việc với Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi cho các thành viên tham gia thị trường, trong đó có việc để các ngân hàng được thực hiện bù trừ, thanh toán cho giao dịch phái sinh TPCP…

Việc Việt Nam có thêm sản phẩm mới để TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng ngay trong năm 2019. Đó là một tin tốt lành với hầu hết các nhà đầu tư, sau chuỗi ngày chờ đợi.

Nguồn: traiphieu.com