Chúng ta cùng xét các ví dụ sau để hiểu sâu hơn về những thuộc tính đặc trưng của hợp đồng tương lai.
a. Phòng hộ rủi ro (Hedging): Là khi các cá nhân/tổ chức có nhu cầu giao dịch thực sự tài sản cơ sở và sử dụng CKPS để phòng hộ rủi ro liên quan đến biến động giá của tài sản.
Ví dụ 1
Một người nông dân A trồng lúa, sau khi tính toán hết mọi chi phí, anh ta xác định giá bán gạo Nàng Hương sau vụ thu hoạch tháng 10 tối thiểu phải 19.000đ/kg thì anh ta mới có lãi.
Tháng 7, anh ta tìm đến một người buôn gạo B, ký với người này một hợp đồng kỳ hạn “bán 1.000 kg gạo Nàng Hương với giá 19.000đ/kg, kỳ hạn tháng 10” để đảm bảo rằng, tại thời điểm đáo hạn hợp đồng (tháng 10), cho dù giá gạo trên thị trường là bao nhiêu đi nữa thì, người nông dân A vẫn bán được 1.000 kg gạo Nàng Hương với giá 19.000đ/kg, và có lời.
Tuy nhiên hợp đồng kỳ hạn có những hạn chế nhất định. Hợp đồng kỳ hạn là thỏa thuận riêng rẽ giữa bên mua và bên bán nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân của hai bên. Bởi vậy, hợp đồng này khó bán lại cho bên thứ ba do khó tìm được bên thứ ba có cùng nhu cầu như bên mua hoặc bên bán.
Hợp đồng kỳ hạn được thỏa thuận trực tiếp giữa hai bên, không được chuẩn hóa nên chỉ được giao dịch trên thị trường phi tập trung (OTC). Để hạn chế nhược điểm của hợp đồng kỳ hạn, người ta đã phát triển một sản phẩm chuẩn hóa, có thể dễ dàng giao dịch là hợp đồng tương lai.
b. Đầu tư hạn chế chênh lệch giá (Arbitraging): Là khi các cá nhân/tổ chức tham gia mua và bán đồng thời một/nhiều loại CKPS. Mục đích của nhà đầu tư hạn chế chênh lệch giá là tận dụng sự chênh lệnh giá giữa các CKPS để thu về lợi nhuận phi rủi ro.
Ví dụ 2:
Tiếp tục ví dụ 1: Tại Đồng Tháp Tháng 7, người buôn gạo B ký với người nông dân A hợp đồng kỳ hạn “mua 1.000 kg gạo Nàng Hương với giá 19.000đ/kg, kỳ hạn tháng 10”. Đồng thời cùng thời điểm đó, người buôn gạo B tìm được một người buôn gạo C tại Hà Nội muốn mua gạo Nàng Hương với giá 21.000đ/kg, anh ta liền ký hợp đồng kỳ hạn “bán 1.000 kg gạo Nàng Hương với giá 21.000đ/kg, kỳ hạn tháng 10”.
Như vậy người buôn gạo B đã ký 2 hợp đồng: mua 1.000 kg gạo Nàng Hương với giá 19.000đ/kg và bán 1.000 kg gạo Nàng Hương với giá 21.000đ/kg. Như vậy, anh buôn gạo B đã có lời là 3.000đ/kg anh ta đã tìm được hạn chế về thông tin và được hưởng chênh lệch giá với mức rủi ro bằng không.
c. Đầu cơ (Speculating): Là khi các cá nhân/tổ chức không có ý định giao dịch tài sản cơ sở mà muốn lợi dụng sự biến động về giá của tài sản cơ sở để thu về lợi nhuận ngắn hạn.
Ví dụ 3:
Tiếp tục ví dụ 1, Sau khi người buôn gạo B ký với người nông dân A hợp đồng kỳ hạn “mua 1.000 kg gạo Nàng Hương với giá 19.000đ/kg, kỳ hạn tháng 10” vào tháng 7, sau đó đến tháng 9, mọi thông tin và dự báo cho thấy gạo Nàng Hương sẽ rót giá, có thể chỉ còn 15.000đ/kg. Tại thời điểm giá gạo là 17.000 đồng/kg người buôn gạo B bán hết hợp đồng mua đó, để không phải mua gạo ở giá 19.000 đồng.
Tại thời điểm người buôn gạo B bán ra hợp đồng ở giá 17.000đ vào tháng 9, một người đầu tư chứng khoán có nhận định, gạo Nàng Hương xuống giá chỉ là tạm thời, giá gạo Nàng Hương sẽ lên, có thể là 22.000đ/kg vào tháng 10, anh ta có một quyết định đầu cơ, mua vào hợp đồng đó ở giá 17.000đ/kg.
Sau đó: Như dự đoán, gạo Nàng Hương lên giá, tại thời điểm gạo có giá 22.000đ anh ta bán ra, kết thúc cuộc đầu tư, thu về 5 triệu đồng tiền lãi ((22.000-17.000)) x 1.000 kg).
Cũng có thể thị trường không như dự đoán, gạo Nàng Hương tiếp tục rớt giá, tại thời điểm gạo có giá 15.000đ, anh ta phải bán ra, lỗ 2 triệu đồng ((17.000 –15.000) x 1.000kg).