Trên thế giới, có khoảng 100 Sở giao dịch đã đưa vào sản phẩm chứng khoán phái sinh, thuộc 41 khu vực quốc gia và vùng lãnh thổ có nền kinh tế đã và đang phát triển. Các tổ chức tham gia đầu tư chứng khoán phái sinh đều là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, bao gồm mạng lưới các ngân hàng, tổ chức tài chính, các quỹ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức/cá nhân có lượng vốn lớn, sử dụng chứng khoán phái sinh như phương tiện phòng hộ rủi ro và giao dịch chênh lệch giá.
 
 
Sự phát triển vượt bậc và rộng khắp của thị trường chứng khoán phái sinh là kết quả của một quá trình hình thành, thay đổi và sáng tạo qua hơn hàng trăm năm, kể từ khi giao dịch phái sinh trên nông phẩm đầu tiên được tổ chức tại thị trường Nhật Bản và thị trường Hà Lan vào đầu thế kỷ 17. Khởi nguồn tại Nhật Bản, giao dịch phái sinh trên Gạo đã được tổ chức thông qua Sở giao dịch Gạo Dojima tại Osaka.
 
 
Thị trường bấy giờ được tổ chức với những hình thức nguyên sơ nhất, như ghi sổ, trao đổi giấy tờ hợp đồng, thông qua một “chợ đầu mối” Dojima, phương tiện truyền tin chỉ qua thư báo và tín hiệu. Sản phẩm này phục vụ giới thượng lưu võ sĩ Nhật Bản, vào thời đó, “tiền lương” của các samurai được chi trả bằng lúa gạo. Tại Hà Lan, trung tâm giao dịch thương mại của khu vực châu Âu, phái sinh trên lúa mỳ cũng phục vụ nhu cầu của rất nhiều quốc gia cần tích trữ và chi trả chi phí thương mại bằng nông phẩm. Thời kỳ đầu, thị trường chứng khoán phái sinh hoàn toàn chưa được điện tử hóa.
 
Sang thế kỷ 19, tại Hoa Kỳ, thị trường phái sinh trên nông phẩm cũng được hình thành, và đặt một bước tiến mới cho chu kỳ mở rộng giao dịch thương mại và chung chuyển vốn toàn cầu sang cả các sản phẩm phái sinh trên những tài sản cơ sở khác nông phẩm. Về cơ bản, đất nước Mỹ với diện tích quốc gia rộng lớn, việc buôn bán nông phẩm phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết “mưa thuận gió hòa”.
 
Trong những năm nhiều thiên tai, thời tiết khắc nghiệt, nông phẩm trở nên khan hiếm, đắt đỏ. Để ổn định thị trường nông phẩm, nhằm bảo hộ, giảm thiểu rủi ro về giá do nông phẩm dư thừa hoặc khan hiếm, năm 1848 tại Chicago (Hoa Kỳ), một Hội đồng mậu dịch kỳ hạn đã ra đời. Một năm sau đó, Trung tâm giao dịch mua bán nông phẩm kỳ hạn ra đời, hoạt động theo phương thức đấu giá cạnh tranh, qua đó hình thành các hợp đồng mua bán kỳ hạn
 
Bảng  thống kê lịch sử ra mắt các sản phẩm phái sinh trên chỉ số cổ phiếu
 
 
 TT
 Thị trường
Tên chỉ số
Năm ra mắt
HĐTL trên chỉ số
Năm ra mắt
HĐQC trên chỉ số
1
Mỹ
S&P 500
1982
1983
2
Úc
All Ordinaries
1983
1983
3
Hàn Quốc
KOSPI 200
1996
1997
4
Hồng Kông
Hang Seng
1986
1993
5
Canada
TSE 300
1984
1984
6
Thái Lan
SET50
2006
2007
7
Đài Loan
TAIEX
1998
2004
8
Ba Lan
WIG 20
1998
2003
9
Nhật (Osaka)
Nikkei 225
1986
1989
10
Tây Ban Nha
IBEX 35
1992
1992
11
Anh (LSE)
FTSE 100
1984
1984